Đồng chí Dương Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND làm việc với ngành Giáo dục và Đào tạo về một số Đề án trong lĩnh vực giáo dục

Chiều 3/5, đồng chí Dương Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo và một số ngành liên quan về Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2019 - 2025 trên địa bàn tỉnh; phương án xã hội hóa giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh và việc sửa đổi, bổ sung Đề án “Phát triển trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2010 - 2015, định hướng đến năm 2020”.

Đồng chí Dương Văn Tiến phát biểu tại buổi làm việc.

Theo Kế hoạch triển khai Đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2019 - 2025, tỉnh Yên Bái phấn đấu đến năm 2020 có tổng số 179 trường mầm non (gồm 164 trường công lập và 15 trường ngoài công lập); tỷ lệ huy động trẻ từ 0-2 tuổi đạt 18% trở lên; tỷ lệ huy động trẻ từ 3-5 tuổi đi học đạt 95% trở lên; huy động tối đa trẻ mẫu giáo 4 và 5 tuổi đến trường thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo 4 tuổi; tỷ lệ huy động trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập chiếm từ 7% trở lên.

Tỉnh Yên Bái đặt mục tiêu duy trì 100% nhóm, lớp mầm non học 2 buổi/ngày; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm trung bình 1,3%... phấn đấu 86,6% giáo viên trở lên đạt trình độ cao đẳng sư phạm mầm non trở lên; từ nay đến năm 2020, bổ sung 671 giáo viên để đảm bảo định mức; phấn đấu đảm bảo tỷ lệ 1 phòng học/lớp; tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 60%; đảm bảo đủ thiết bị dạy học tối thiểu cho các nhóm, lớp… Để đạt được các mục tiêu trên thì các giải pháp chủ yếu là tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giáo dục mầm non; hoàn thiện việc quy hoạch mạng lưới trường lớp, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, huy động nguồn lực tài chính cho phát triển giáo dục mầm non; nâng cao chất lượng, chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho trẻ, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý….

Tính đến tháng 11/2018, toàn tỉnh có 11 trường mầm non tư thục và 26 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục với tổng số 2.870 trẻ/56.832 trẻ mầm non được huy động ra lớp ngoài công lập, đạt tỷ lệ 5%. Qua đánh giá cho thấy, việc thực hiện việc xã hội hóa giáo dục mầm non đã giảm bớt gánh nặng đầu tư và chi ngân sách nhà nước, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ em. Tuy nhiên, công tác xã hội hóa giáo dục mầm non nói riêng còn hạn chế; việc chuyển đổi các trường công lập, bán công ra ngoài công lập hiệu quả chưa cao. Về phương án xã hội hóa giáo dục mầm non, từ nay đến năm 2020 phấn đấu thành lập 4 trường mầm non tư thục tại thành phố Yên Bái và huyện Yên Bình; khuyến khích phát triển các nhóm, lớp tư thục trên địa bàn thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ và các vùng thị trấn của các huyện, phấn đấu huy động trẻ em học trong các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, đạt từ 7% trở lên/tổng số trẻ đến trường; thực hiện chuyển sang tự chủ từ 10% đến 30% dự toán chi thường xuyên trở lên đối với 7 trường mầm non tại thành phố Yên Bái…

Mục tiêu phát triển trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành đến năm 2025 trở thành trường THPT chuyên chất lượng cao với quy mô ổn định 27 lớp, 975 học sinh, tập trung ở các môn chuyên: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử - Địa lý; Toán - Tin và có lớp không chuyên; 70% học sinh trở lên xếp loại học lực giỏi, hàng năm có trên 98% học sinh đỗ vào các trường đại học; phấn đấu có học sinh giỏi Olympic khu vực Châu Á hoặc Quốc tế; …

Tham gia ý kiến vào các đề án, lãnh đạo các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và Nội vụ cho rằng trong xây dựng các đề án cần xác định rõ phương án xã hội hóa, phương án tự chủ; nêu rõ các giải pháp cơ bản trong triển khai thực hiện các Đề án; căn cứ của tỉnh để ban hành các chính sách đặc thù đối với giáo viên, học sinh của trường…

Phát biểu tại buổi làm việc đồng chí Dương Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh cần thiết phải điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung Đề án phát triển trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành nhằm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho tỉnh. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo cần thiết phải rà soát lại Đề án để chỉnh sửa theo ý kiến của các ngành; nghiên cứu để đưa vào Đề án những đột phá lớn, mục tiêu cụ thể của trường cần đạt được trong giai đoạn tới trong đó cần đưa ra những chỉ số cụ thể về chất lượng giáo viên, trình độ ngoại ngữ của giáo viên và học sinh; tỷ lệ học sinh đạt giải quốc gia, quốc tế… để từ đó đưa ra các giải pháp cụ thể để đạt mục tiêu; làm rõ sự cần thiết trong đầu tư cơ sở vật chất cho nhà trường; tích hợp các chính sách nhằm thu hút, động viên giáo viên nâng cao chất lượng giảng dạy, đặc biệt là chất lượng giảng dạy các môn học mũi nhọn; đề ra giải pháp mạnh mẽ nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy các môn học của nhà trường…

Về Đề án xã hội hóa giáo dục mầm non, đồng chí Dương Văn Tiến yêu cầu ngành Giáo dục và Đào tạo cần xác định rõ thế nào là xã hội hóa giáo dục mầm non. Cụ thể, tại các trường mầm non công lập: Cần nâng cao chất lượng, tăng thu học phí theo mức tối đa cho phép để tự chủ tài chính đồng thời với việc thành lập các lớp chất lượng cao, thu học phí theo thỏa thuận. Tại các vùng có điều kiện trong tỉnh cần kêu gọi đầu tư ngoài công lập. Rà soát các trường mầm non tại khu vực thị xã, thị trấn về số lớp mầm non, cơ sở vật chất, tài chính trong những năm trở lại đây để đánh giá nhu cầu của người dân tại các khu vực này trong việc xã hội hóa giáo dục mầm non; đánh giá khả năng xã hội hóa của từng trường và địa bàn có thể kêu gọi đầu tư và xây dựng lộ trình xã hội hóa; đưa ra các giải pháp cụ thể trong xã hội hóa, trong đó tập trung vào việc nâng cao chất lượng giảng dạy, nâng cao chất lượng của cơ sở vật chất, thành lập các lớp chất lượng cao tại các trường mầm non công lập…

Về Đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2019 - 2025, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu phải làm rõ hiện trạng, các chỉ tiêu, mục tiêu và giải pháp cụ thể, định lượng rõ những giải pháp cụ thể trong thực hiện Đề án...

Bài viết liên quan